17.08.2018. Hội thảo cập nhật và ứng dụng phương pháp tế bào trị liệu trong điều trị bệnh ung thư

                  Vào ngày 17/08/2018, trường Đại học Y Hà Nội đã phối hợp với trường Đại học kĩ thuật Y dược Đà Nẵng để tổ chức buổi hội thảo về cập nhật và ứng dụng phương pháp tế bào trị liệu trong điều trị bệnh ung thư. Về phía trường Đại học Y Hà Nội gồm GS.TS. Tạ Thành Văn- Phó hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Trần Vân Khánh- Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Gen-Protein, chuyên gia về miễn dịch của Nhật Bản đến từ tập đoàn GrandSoul Nara, GS. Yoshinobu Matsuo, cùng nhóm nghiên cứu về tế bào miễn dịch. Phía bên trường Đại học kĩ thuật Y dược Đà Nẵng có TS. Lê Văn Nho- phó hiệu trưởng nhà trường, cùng toàn thể các cán bộ, giảng viên và các em sinh viên của trường. Phát biểu khai mạc hội thảo, lãnh đạo của cả 2 trường đều thể hiện rõ những quan điểm, triển vọng và bước tiến mạnh mẽ của liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư trong những năm gần đây cũng như mong muốn sự hợp tác giữa cả 2 trường về các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo khác.

 

   TS. Lê Văn Nho phát biểu khai mạc hội thảo

                                                                                 GS.TS. Tạ Thành Văn phát biểu về liệu pháp tế bào miễn dịch

                      Về liệu pháp tế bào miễn dịch, công nghệ này được trường Đại học Y Hà Nội tiếp nhận từ phía bên đối tác là tập đoàn GrandSoul Nara của Nhật Bản và đến nay đã làm chủ được công nghệ nền này, qua đó tạo điều kiện để phát triển công nghệ các dòng tế bào khác trong tương lai. Nguyên lý của công nghệ này đó là thu nhận các tế bào ở trong máu của bệnh nhân ung thư rồi tiến hành phân tách để lấy được tế bào lympho của bệnh nhân, sau đó hoạt hóa, tăng sinh trong điều kiện invivo để trở thành tế bào có thẩm quyển miễn dịch (tế bào T-CD8) cho đến khi đạt đủ số lượng tế bào cần thiết, sau 2 tuần sẽ truyền lại khối tế bào đó trở lại cho bệnh nhân.

 

       Quy trình về liệu pháp tế bào miễn dịch lympho T-CD8

               Buổi hội thảo gồm 3 bài báo cáo chính được trình bày lần lượt bởi chuyên gia tập đoàn GrandSoul Nara, GS. Yoshinobu Matsuo – Những tiến bộ và cập nhật về liệu pháp tế bào trong hiện tại và tương lai, GS.TS. Tạ Thành Văn- Tổng quan về liệu pháp tế bào miễn dịch, CN. Nguyễn Quý Linh- Những ứng dụng liệu pháp tế bào T tự thân trong điều trị ung thư tại trường Đại học Y Hà Nội.

               Về phần trình bày của mình, GS. Yoshinobu Matsuo đã giới thiệu về nguồn gốc của liệu pháp tế bào cũng như cơ chế hoạt hóa của tế bào miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư. Bên cạnh đó, GS cũng có nhắc đến liệu pháp CAR T cell- một liệu pháp tế bào mới bằng cách thay đổi gene trên thụ thể của tế bào T, giúp cho tế bào này nhận biết tế bào ung thư một cách đặc hiệu hơn để tiêu diệt. Ngoài ra, một số các phương pháp khác giúp cho tế bào T trở nên đặc hiệu cũng đã được GS trình bày chẳng hạn như hoạt hóa bằng các cytokine, các tế bào gốc cảm ứng iPS, tế bào tua… Tuy nhiên, cái đích chính của tất cả những phương pháp trên đều nhắm đến đó là tăng thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư.
                                                         

 GS. Yoshinobu Matsuo trình bài bài báo cáo

 

Bài báo cáo thứ 2 là của GS.TS.Tạ Thành Văn- Tổng quan về liệu pháp tế bào miễn dịch. Trong phần báo cáo của mình, GS. Văn đã giới thiệu về phòng chế biến tế bào (CPC: Cell Processing Cleanroom)  được sử dụng tại trường Đại học Y Hà Nội, cũng như các tiêu chuẩn của phòng sạch sử dụng để nuôi cấy tế bào. Ngoài ra những bằng chứng trên những ca lâm sàng được điều trị ở Nhật để chứng minh tính hiệu quả của liệu pháp tế bào miễn dịch cũng đã được GS đưa ra. Ở tất cả các trường hợp, sau khi được điều trị tế bào, sau 6 tháng kích thước khối u được thu nhỏ lại nhiều lần đều được ghi nhận ở tất cả các bệnh nhân tham gia điều trị. Tỉ lệ kiểm soát bệnh của liệu pháp đạt 60%. Về chất lượng tế bào được nuôi cấy ở trường Đại học Y Hà Nội, trước khi nuôi cấy hoạt hóa tăng sinh, tỉ lệ phần trăm của các dòng tế bào thấp ( T-CD8 khoảng 20%), tuy nhiên sau quá trình hoạt hóa, đến ngày cuối cùng, tỉ lệ tế bào T-CD8 tăng cao và đạt tới 93%. Qua đó có thể thấy chất lượng tế bào mà trường Đại học Y nuôi cấy là đạt yêu cầu.

 

                                                        GS.TS. Tạ Thành Văn báo cáo về tổng quan của liệu pháp tế bào miễn dịch

                     Bài báo cáo cuối cùng là Những ứng dụng liệu pháp tế bào T tự thân trong điều trị ung thư được trình bày bởi CN. Nguyễn Quý Linh. Báo cáo đi sâu vào việc điều trị bệnh nhân ung thư đang được làm liệu pháp tế bào miễn dịch tại trường Đại học Y Hà Nội. Những trường hợp được nêu ra sau khi được điều trị 1 lộ trình gồm 6 lần truyền đều cảm thấy tinh thần thoải mái, ăn và ngủ được, không còn những biểu hiện tiêu cực của bệnh như khi trước quá trình điều trị. Theo đánh giá, chỉ số chất lượng sống QOL ( Quanlity of Life) đều được giữ nguyên như lúc ban đầu.

CN. Nguyễn Quý Linh báo cáo về việc điều trị bệnh nhân

 

Vì là vấn đề mới nổi trong những năm gần đây nên phần hội thảo được diễn ra rất tích cực. Phần lớn các câu hỏi đều quan tâm tới hiệu quả và khả năng an toàn của liệu pháp cũng như tính khả quan của nó trong tương lai. Hi vọng rằng liệu pháp này sẽ sớm được đưa vào áp dụng nhằm giúp cho bệnh nhân ung thư có thêm sự lựa chọn để tăng thêm khả năng sống sót cũng như góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đó là cái đích không chỉ liệu pháp tế bào mà còn rất nhiều những liệu pháp khác đều nhắm đến.

                                

Không khí của buổi hội thảo

                               

Chụp hình lưu niệm giữa đại diện của 2 trường cùng chuyên gia Nhật Bản