Giải Nobel Y học năm 2018, giải Nobel đầu tiên được công bố trong “mùa” Nobel, được trao cho hai nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư.
Như chúng ta đã biết, ung thư giết hàng triệu người mỗi năm và đó là một trong những thử thách cho toàn nhân loại về vấn đề sức khỏe. Bằng việc kích thích các tế bào trong hệ miễn dịch để tiêu diệt khối u, giải Nobel năm nay đã mở ra một triển vọng mới trong việc điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch.
Nghiên cứu của James P. Allison đã tìm ra được một loại Protein (CTLA-4) có vai trò kiểm soát hệ miễn dịch. Và ông ấy đã nhận ra tiềm năng của nó trong việc phát triển thành một liệu pháp mới để điều trị ung thư cho bệnh nhân.
Tương tự, Tasuku Honjo cũng đã phát hiện được một loại Protein ở trên tế bào miễn dịch (PD-1), sau khi nghiên cứu tìm hiểu về nó, ông cũng nhận ra PD-1 cũng có vai trò kiểm soát miễn dịch nhưng mới cơ chế hoạt động khác. Liệu pháp dựa trên phát hiện của ông đã trở thành đột phá trong cuộc chiến chống lại ung thư.
I. Sự phát hiện về liệu pháp điều trị mới.
1.Sự phát hiện về CTLA-4.
Trong suốt những năm 1990, phòng nghiên cứu của Jame P. Allison ở trường Đại học Califonia đã nghiên cứu về CTLA-4 trên bề mặt của tế bào T. Ông ấy là một trong những nhà khoa học đã phát hiện ra chức năng của CTLA-4 trong việc kiểm soát tế bào T. Trong khi các nhóm nghiên cứu khác đã áp dụng cơ chế này để nghiên cứu về các bệnh tự miễn thì ông đã có một ý tưởng hoàn toàn khác. Ông đã phát triển các kháng thể có thể liên kết được với CTLA-4 và khóa lại chức năng của nó. Những thí nghiệm đầu tiên của ông diễn ra vào cuối năm 1994 và đã đem lại những kết quả ấn tượng. Những con chuột bị ung thư đã được chữa khỏi bằng việc sử dụng kháng thể ức chế CTLA-4, qua đó làm tăng cường sự hoạt hóa của tế bào T để chống lại khối u. Trải qua nhiều thời gian nỗ lực nghiên cứu để phát triển nó thành một liệu pháp mới, năm 2010, nhóm nghiên cứu đã cho thấy một triển vọng đầy hứa hẹn khi nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư da. Ở một vài bệnh nhân, sự hiện diện của tế bào ung thư là không còn, đó là một kết quả đáng chú ý khi những nghiên cứu trước đó không có những kết quả khả quan như vậy.
2.Sự phát hiện về PD-1
Năm 1992, vài năm sau khi Allison phát hiện ra CTLA-4, Tasuku Honjo đã khám phá ra PD-1, một protein cũng được biểu hiện trên bề mặt của tế bào T. Qua nhiều năm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở trường Đại học Kyoto, ông ấy đã làm sáng tỏ được chức năng của PD-1. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, PD-1 cũng có vai trò kiểm soát tương tự như CTLA-4, nhưng với một cơ chế khác. Ở những thí nghiệm trên chuột, việc khóa lại PD-1 cũng cho thấy sự đột phá đầy hứa hẹn trong việc chống lại khối u. Với những nghiên cứu trên lâm sàng sau đó, năm 2012, một nghiên cứu quan trọng đã chứng minh những hiệu quả rõ ràng trong việc điều trị bệnh nhân với nhiều loại hình ung thư khác nhau. Kết quả thu được rất ấn tượng, một số bệnh nhân di căn đã được chữa khỏi, điều mà trước đây được xem như không thể điều trị được.
II. Triển vọng của liệu pháp miễn dịch sử dụng các điểm kiểm soát miễn dịch
Sau những nghiên cứu chỉ ra những hiệu quả đột phá của việc khóa PD-1 và CTLA-4, phương pháp này đã được đặt tên là liệu pháp miễn dịch sử dụng các điểm kiểm soát miễn dịch và đã có những kết quả tiến bộ ở nhóm bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, tương tự với các liệu pháp điều trị ung thư khác, những tác dụng phụ cũng đã được ghi nhân là ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Chúng dẫn đến các phản ứng quá mức ở bên trong cơ thể. Các nghiên cứu sau cũng tiếp tục làm sáng tỏ thêm các cơ chế hoạt động của chúng để phát triển, cải thiện liệu pháp này nhằm làm giảm tỉ lệ tác dụng không mong muốn.
Hai liệu pháp sử dụng hai điểm kiểm soát miễn dịch là CTLA-4 và PD-1 đã đem lại nhiều tích cực trong việc điều trị một số loại hình ung thư như ung thư phổi, ung thư hạch, u hắc tố. Những nghiên cứu kết hợp cả 2 liệu pháp này đã đạt được kết quả khả quan trong việc điều trị đối với bệnh nhân u hắc tố. Vì vậy, Allison và Honjo đã truyền cảm hứng cho những nỗ lực để kết hợp các phương pháp khác nhau để hoạt hóa hệ thống miễn dịch với mục đích loại bỏ các tế bào khối u hiệu quả hơn. Một số lượng lớn các thử nghiệm tại các điểm kiểm soát hiện đang được tiến hành đối với hầu hết các loại ung thư, và các protein điểm soát mới đang được thử nghiệm làm mục tiêu.
Cơ chế tác động lên 2 Protein CTLA-4 và PD-1
( Nguồn tham khảo: https://www.nobelprize.org/prizes/medicine/2018/summary/)
Đặc biệt, Trung tâm nghiên cứu Gen-Protein rất vinh dự khi GS.TS. Tạ Thành Văn và PGS.TS. Trần Huy Thịnh chính là học trò của thầy Tasuku Honjo ( người mà đã được giải Nobel Y học năm 2018)